Anh Huỳnh Quyết Thắng (40 tuổi, ở TP HCM, áo đỏ) là hướng dẫn viên tour xe đạp. Năm 2019, anh Thắng từng đi Cao Bằng bằng xe máy nhưng vốn là người yêu khám phá và trải nghiệm bằng xe đạp nên mùa thu năm nay anh quyết định quay lại Cao Bằng vì vẻ đẹp của vùng non nước này.
"Cao Bằng không hùng vĩ như Hà Giang cũng không quá nổi tiếng như Sa Pa hay Mù Cang Chải, nhưng Cao Bằng có vẻ đẹp hài hoà của núi non, đồng lúa, sông nước và con người", anh Thắng cho hay. Bên cạnh đó những năm gần đây Cao Bằng đã chú trọng phát triển du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng nên việc đi lại ăn ngủ cũng thuận tiện hơn trước.
Hành trình của anh Thắng và nhóm đi trong 5 ngày 4 đêm. Đoàn bay ra Hà Nội từ TP HCM, di chuyển lên Bắc Kạn, rồi đi Cao Bằng và Lạng Sơn bằng ôtô. Trong ba điểm đến này, anh ấn tượng nhất với Cao Bằng.
Chặng đạp xe ở Cao Bằng dài khoảng 125 km, trong thời gian 2 ngày. Chặng Bảo Lạc - Cao Bằng là 45 km đạp và chặng Cao Bằng - Bản Giốc 80 km. Trong ảnh là cung đường dọc suối từ Thông Huề đi Trùng Khánh thuộc xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh.
Một trong những đoạn đường đẹp nhưng cũng khó đi nhất là qua đèo Khau Cốc Chà, nối xã Xuân Trường với thị trấn Bảo Lạc. Trong tiếng Tày, Khau là đèo, Cốc Chà là tên gọi của một loài cây mọc rất nhiều trên đỉnh đèo. Đoàn phải đạp xe đường đèo dốc trên 10%.
Đèo dài 2,5 km và có 14 "cua tay áo", tạo thành tầng dốc hiểm trở. Trước đây đèo chỉ là đường mòn có bề ngang chừng 40 cm. Từ năm 2009 đến 2011, Cao Bằng mở rộng mặt đường lên 5 m và trải bê tông. Từ đó đèo trở thành một trong 10 cung đèo nguy hiểm nhất Việt Nam, thu hút nhiều phượt thủ, theo website Trung tâm Văn hóa và Thông tin Du lịch Cao Bằng.
"Khi lên tới đỉnh do trời mưa nên đường trekking vào viewpoint (ảnh) trơn trượt, chỉ có hai thành viên to khỏe leo tới được, trong khi cả nhóm không leo mà tiếp tục đạp xe", anh Thắng kể.
Thôn Lũng Mật xã Xuân Trường Bảo Lạc, nơi người Mông và Dao trồng chủ yếu là ngô, được ví như Thụy Sĩ thu nhỏ với những thảm cỏ xanh mát bao quanh bản làng đơn sơ.
Đèo Nà Tềnh (tiếng Tày là ruộng cao), thuộc xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, nằm gần khu vực biên giới, cách đèo Khau Cốc Trà khoảng 15 km. Nhóm anh Thắng đánh giá đây là một trong những con đèo đẹp bậc nhất Cao Bằng nhưng cũng nguy hiểm với nhiều khúc cua quanh co uốn lượn, xen kẽ cung đường là những thửa ruộng bậc thang xanh mướt.
Nhóm đổ đèo Keng Mạ, dài 1 km, xã Trung Phúc huyện Trùng Khánh, cách trung tâm thành phố Trùng Khánh khoảng 7 km, trên đường đến Bản Giốc. Đây là ngọn đèo nằm trên đường liên xã ở vùng giáp ranh xã Cảnh Tiên và Trung Phúc, huyện Trùng Khánh. Đường đèo nằm trên vùng đá vôi, nhưng không quá khó di chuyển như đèo Nà Tềnh.
Con đường từ Cao Bằng về Bản Giốc, thuộc địa phận huyện Quảng Uyên. Tháng 10, ngoài những thửa ngô trổ cờ là những cánh đồng lúa chín vàng, chờ người dân Tày và Nùng thu hoạch.
Thác Bản Giốc cao hơn 70 m, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, là điểm dừng quen thuộc của nhóm mỗi lần tổ chức đạp xe ở Cao Bằng. Thời gian này là mùa mưa nên nước đổ từ sông Quây Sơn về liên tục tạo thành những dòng thác trắng xóa ngoạn mục. "Đứng trước dòng thác, tôi cảm thấy mình nhỏ bé", anh Thắng cho biết.
Đèo Mã Phục dài 3,5 km là điểm kết trong chặng đạp 85 km. Đèo nằm trên quốc lộ 3 ở vùng giáp ranh huyện Hòa An và Quảng Hòa. Hai bên đèo có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục, từ đó hình thành tên gọi của ngọn đèo có độ cao 620 m này. Người đạp xe phải vượt qua 7 vòng dốc để đến được đỉnh. Trên đèo là ngã ba Cốc Phát, nơi bắt đầu đường tỉnh 205 đi cửa khẩu Trà Lĩnh của huyện Trùng Khánh - nơi giao thương của Việt Nam và Trung Quốc.
Chị Đan Chương, sinh năm 1977, thấy Cao Bằng có sức hút kỳ lạ, sau khi trải qua những chặng đạp gian nan cùng đồng đội. Chị ví chuyến đạp xe này là một kỳ tích, vừa chinh phục bản thân vừa đến được những nơi "cứ ngỡ thiên đường". Chị mong sớm quay lại Cao Bằng để khám phá thêm những điểm khác như Pác Bó, Núi Thủng và Phong Nặm.
Anh Thắng cho hay đạp xe là một cách đi du lịch đủ chậm để cảm nhận mọi thứ, để kết nối với thiên nhiên và con người trên cung đường mình đi qua và để rèn luyện sức khỏe, hiểu rõ bản thân và thêm yêu cảnh đẹp và con người Việt Nam.
Với du lịch trải nghiệm bằng xe đạp, người tham gia cần có nền tảng thể lực tốt, tinh thần, sự kỷ luật đối với bản thân và ý chí không từ bỏ. Bên cạnh đó cần có kỹ thuật đạp xe hoàn chỉnh, rèn luyện các cung đường đèo dốc nhiều lần.
Theo anh Thắng, để tổ chức một tour xe đạp cần phải có sự chuẩn bị kỹ cả về ăn ở và hậu cần, kỹ thuật trên đường đi. Thông thường đoàn lựa chọn đạp những cung đường có cảnh đẹp và không quá đông và sẽ lên ôtô di chuyển ở những cung đường không quá đẹp. Trong quá trình đi có xe tải và ôtô hỗ trợ cho những ai muốn nghỉ ngơi nếu thấy mệt, và hỗ trợ tiếp nước, đồ ăn thức uống dọc đường đi để bù đắp năng lượng. Đoàn cũng có người chuyên phụ trách kỹ thuật sửa chữa xe đạp.