Việc phát triển các bãi tắm trên Vịnh Hạ Long là xu hướng tất yếu nhằm mở rộng không gian trải nghiệm, nâng tầm dịch vụ nghỉ dưỡng, đặc biệt cho phân khúc khách cao cấp. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải đảm bảo hài hòa giữa khai thác du lịch và bảo tồn di sản thế giới.
Theo thống kê, hiện Vịnh Hạ Long có hàng trăm vũng vịnh, bãi cát tự nhiên với cảnh quan kỳ vĩ, lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái biển, nhất là mô hình bãi tắm kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên, bãi Ti Tốp là bãi duy nhất đang hoạt động trong vùng lõi Di sản, thường xuyên quá tải với 10.000-13.000 khách/ngày dịp cao điểm du lịch, gây áp lực lớn lên môi trường và làm giảm trải nghiệm của du khách.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát, cập nhật thông tin về các bãi cát và giá trị tài nguyên khác, nhằm mục đích phục vụ du lịch.
Nhu cầu mở thêm bãi tắm ngày càng cấp thiết, vừa giảm tải cho Ti Tốp, vừa đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng riêng tư của khách quốc tế, khách siêu giàu. Nhiều năm qua, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách đều liên tục kiến nghị mở thêm bãi tắm. Đây là giải pháp trước mắt và chiến lược lâu dài nhằm nâng cao giá trị di sản song hành với phát triển du lịch. Trong các cuộc họp cuối năm 2024 và tháng 3/2025, tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu phát triển các bãi tắm chuẩn, hướng tới du lịch cao cấp, đa dạng sản phẩm và nâng trải nghiệm du khách, tạo điểm nhấn mới cho du lịch.
Trước thực tế đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng nhiều lần đề xuất khai thác các bãi tắm trên vịnh. Gần đây nhất, tháng 4/2025, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các doanh nghiệp đã khảo sát thực địa, thống nhất xúc tiến khai thác các bãi tắm tiềm năng. Khảo sát cho thấy, Vịnh Hạ Long có hơn 170 bãi cát tự nhiên và nhiều hang động hoang sơ, chưa được khai thác đúng mức. Nhiều địa điểm có thể phát triển thành bãi tắm, khu nghỉ dưỡng sinh thái hoặc tổ hợp trải nghiệm độc đáo.
Đơn cử, bãi Soi Sim, từng nổi tiếng với rừng nguyên sinh và bãi cát mịn, hiện đang dừng hoạt động, được đề xuất mở lại từ 1/5/2025 để san tải cho Ti Tốp. Khu vực hang Trinh Nữ trên đảo Bồ Hòn có bãi cát nhỏ, phù hợp cho tắm biển giới hạn và tổ chức sự kiện nghệ thuật trong không gian hang động. Hang Cỏ trên tuyến Hạ Long - Bái Tử Long cũng được đánh giá cao nhờ cảnh quan nguyên sơ, thích hợp cho mô hình kết hợp tắm biển, chèo kayak và cắm trại.
Ngoài ra, các bãi nhỏ như Bàn Chân, Lưỡi Liềm, Trà Sản, Cống Đỏ… với địa hình kín gió, cát mịn và không gian riêng tư rất phù hợp để hình thành bãi tắm phong cách riêng, cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng 5 sao, tổ chức tiệc, sự kiện ngoài trời, thể thao biển và nhiều hoạt động trải nghiệm cao cấp. Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất phát triển các bãi Trinh Nữ, Hang Cỏ, Cát Oăn, Cống Đỏ, hang Thầy... thành tổ hợp trải nghiệm cao cấp, kết hợp tắm biển, dã ngoại, thưởng thức ẩm thực và chương trình nghệ thuật trong hang động, tạo sự độc đáo, khác biệt.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai chậm bởi gặp nhiều rào cản về pháp lý, quy hoạch khiến các dự án bãi tắm chưa có đủ cơ sở pháp lý. Hạ tầng cũng là thách thức lớn. Nhiều điểm dù có cảnh quan đẹp nhưng thiếu điện, lối tiếp cận an toàn và hạ tầng du lịch, tiềm ẩn rủi ro khi vào cao điểm.
Đặc biệt, từ năm 2020, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long không còn được cấp vốn đầu tư mới. Nguồn chi thường xuyên chỉ chiếm 11% phí tham quan, thấp so với nhu cầu bảo dưỡng và nâng cấp dịch vụ. Vì thế, Ban đã đề xuất tỉnh nâng tỷ lệ trích phí tham quan lên 18% để tăng nguồn lực tái đầu tư; đề xuất giao Ban hoặc phối hợp khai thác có điều kiện các bãi tắm theo Đề án trình UBND tỉnh; đẩy nhanh quy hoạch bảo tồn và mở rộng liên kết với Vịnh Lan Hạ - Cát Bà để giãn bớt khách, giảm áp lực cho vùng lõi.
Nếu các vướng mắc được tháo gỡ, hệ thống bãi tắm mới sẽ mở rộng không gian trải nghiệm, tạo sức bật cho du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp. Đây là giải pháp quan trọng giúp tái cấu trúc không gian du lịch, nâng cao giá trị bền vững cho di sản Vịnh Hạ Long, vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa đáp ứng xu thế du lịch đẳng cấp toàn cầu.
Nguồn: Nguyen Anh Travel sưu tầm