Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long có một số dự án phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch do các doanh nghiệp triển khai đã lâu vẫn chưa thể hoàn thiện. Việc xử lý thấu đáo các dự án này thiết nghĩ là rất cần thiết để góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch trên vùng vịnh này trong thời gian tới đây.
Vướng mắc chung về thủ tục pháp lý
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trên vịnh hiện có 3 dự án phát triển sản phẩm du lịch đã được UBND tỉnh giao và chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp triển khai thực hiện từ lâu. Các dự án đã được Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai, tài nguyên. Căn cứ theo đó, hầu hết các dự án này đều vướng mắc chung về thủ tục pháp lý liên quan đến Quy hoạch Vịnh Hạ Long, quy định về thủ tục giao khu vực biển và thủ tục giao đất, giao rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan.
Du khách chèo kayak tại khu vực Trà Sản - Cống Đỏ trên Vịnh Hạ Long.
Trong đó, Dự án đầu tư sản phẩm du lịch tuyến 4, Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long do Công ty CP Du thuyền Đông Dương làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 2/2016. Các dịch vụ du lịch dự kiến triển khai trong dự án, gồm: Tắm biển, tham quan hang, chèo kayak, tham quan rừng và leo núi ngắm biển tại khu vực hang Thầy; nghỉ đêm trên tàu, trưng bày và giới thiệu về Vịnh Hạ Long, tham quan rừng ngập mặn, chèo kayak tại khu vực Cống Đỏ; nghỉ đêm trên tàu, trưng bày và giới thiệu về Vịnh Hạ Long, tham quan rừng ngập mặn, chèo kayak, ăn nhẹ tại chòi nổi tại khu vực Hòn Xếp; tham quan tắm biển, cắm trại, chèo kayak tại khu vực Cát Oăn.
Năm 2023, thanh tra đối với dự án này cho thấy một số tồn tại. Đó là một số điểm/khu vực triển khai đầu tư (hang Cỏ, Cát Oăn) chưa có trong Quy hoạch chi tiết Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Dự án triển khai khi chưa có văn bản thoả thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Dự án chậm tiến độ theo quy định; chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
Đối với Dự án Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim do Công ty TNHH MTV Soi Sim làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết từ cuối tháng 12/2011. Các dịch vụ du lịch dự kiến trong dự án, gồm: Tham quan khu trưng bày và giới thiệu nguồn gen động, thực vật Hạ Long, tắm biển.
Năm 2020, việc thanh tra đối với dự án này cho thấy, việc đầu tư xây dựng dự án giai đoạn 2015-2019 chưa đảm bảo thủ tục về cho thuê môi trường rừng theo quy định. Công ty chưa chi trả giá trị còn lại đối với tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước trên đảo Soi Sim (theo Quyết định của UBND tỉnh) là trên 1,2 tỷ đồng. Số tài sản công này, Công ty trong quá trình thi công dự án đã tiến hành tháo dỡ, thi công bao trùm lên mà chưa được cơ quan chức năng cho phép. Từ những vướng mắc trên, từ năm 2020 đến nay, dự án đã dừng triển khai và không tổ chức hoạt động gây lãng phí nguồn lực đầu tư, tài nguyên du lịch trong vùng lõi của di sản Vịnh Hạ Long.
Đối với Dự án đầu tư và khai thác hang Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long do Công ty TNHH Du thuyền Bhaya làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7/2016. Các dịch vụ dự kiến triển khai trong dự án, gồm: Tham quan hang, bán hàng lưu niệm, nước giải khát tại hang và trên bãi cát, tắm biển, chèo kayak. Năm 2023, việc thanh tra đối với dự án này đã kết luận: Dự án thực hiện chưa đảm bảo thủ tục về giao khu vực biển; chủ đầu tư đã thực hiện thi công không đúng theo chủng loại vật tư, biện pháp thi công; dự án đi vào hoạt động khi chưa thực hiện thủ tục cấp phép bến cập tàu và bãi tắm theo quy định. Vướng mắc của dự án liên quan đến quy hoạch và phương án xử lý, giải quyết tài sản do Công ty TNHH Du thuyền Bhaya đầu tư trên hang Trinh Nữ.
Cần thiết xử lý dứt điểm
Điều đáng nói là, việc giải quyết các kiến nghị sau thanh tra, theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện, nhưng do vướng mắc về cơ chế, chính sách dẫn đến việc khắc phục rất khó khăn, thậm chí có những nội dung không thể khắc phục được.
Nhằm tháo gỡ dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại các dự án kể trên, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề xuất tỉnh chỉ đạo, giao Thanh tra tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan tham mưu cụ thể. Đơn vị đề xuất, đối với Dự án Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim, trước mắt để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, đề nghị tỉnh chấp thuận chủ trương cho Ban đưa bãi tắm Soi Sim vào hoạt động phục vụ khách du lịch từ ngày 1/5 tới đây, để giảm tải cho điểm tham quan và bãi tắm Ti Tốp. Chỉ đạo các ngành nghiên cứu, xem xét có phương án điều chỉnh quy hoạch dự án và thu hồi một phần dự án (phần cầu cảng và khu vực bãi tắm Soi Sim) để bàn giao cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long quản lý và đưa vào hoạt động đảm bảo quyền lợi cho du khách.
Đối với Dự án đầu tư và khai thác hang Trinh Nữ trên Vịnh Hạ Long, đơn vị đề nghị tỉnh cho phép Ban giữ nguyên hiện trạng các hạng mục công trình, cơ sở vật chất do doanh nghiệp đầu tư để phục vụ đón tiếp khách tham quan vịnh. Còn với Dự án đầu tư sản phẩm du lịch tuyến 4, Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long thì đơn vị lại đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét thu hồi dự án để triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định phục vụ khách du lịch.
Liên quan đến các kết luận của thanh tra về sản phẩm, dịch vụ trên Vịnh Hạ Long, gần đây nhất là vào trung tuần tháng 2/2025, theo kết luận của Đoàn Thanh tra Sở Văn hoá và Thể thao (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) về công tác quản lý di sản Vịnh Hạ Long đã chỉ ra: Các tổ chức, cá nhân (11 đơn vị có sử dụng mặt đất, mặt nước trên Vịnh Hạ Long) đang hoạt động kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc tại khu vực Di sản Vịnh Hạ Long chưa được giao sử dụng mặt đất, mặt nước, mặt biển đã thực hiện ký hợp đồng với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long là chưa đảm bảo quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền. Do đó, trong năm 2025 này, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chưa tổ chức ký hợp đồng phối hợp tổ chức và quản lý hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí với các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long.
Theo nhận định của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì những tồn tại này rất khó khắc phục vì căn cứ các quy định pháp luật về di sản và hướng dẫn của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thì các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được giao khu vực biển để khai thác và sử dụng tài nguyên biển tại khu vực di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Vì vậy, đơn vị đề xuất tỉnh giao các sở, ngành có liên quan hướng dẫn Ban Quản lý Vịnh Hạ Long về việc ký hợp đồng hoạt động dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Nguyen Anh Travel sưu tầm